Nhiều người Việt Nam hiện nay vẫn còn quan niệm rằng thấp, bé, nhẹ cân hoàn toàn là do nòi giống quyết định và không thể thay đổi. Song điều đó cũng không làm giảm niềm ao ước của các bậc phụ huynh luôn mong muốn những đứa con cao lớn, khỏe mạnh, thông minh.
Điều này hoàn toàn có thể thực hiện được vì các công trình nghiên cứu khoa học đã cho thấy di truyền chỉ chiếm 20%, trong đó 50% là do yếu tố dinh dưỡng và môi trường sống, rèn luyện. Vậy làm gì để bé phát triển chiều cao một cách tối ưu - điều này rất cần thiết giúp các bậc cha mẹ trong nuôi dưỡng, giáo dục trẻ như thế nào để bé phát huy hết tiềm năng trong phát triển chiều cao.
Bé phát triển chiều cao khi còn là bào thai
Mỗi bà mẹ cần biết sự phát triển chiều dài của trẻ rất sớm - ngay từ những tuần đầu của bào thai. Chiều dài thai nhi đạt cao nhất vào giai đoạn trước tuần thứ 15 của thai kỳ, trong đó cân nặng của bào thai đạt cao nhất vào tuần thứ 32 đến tuần 34 của thai kỳ. Chiều dài của thai nhi có một ý nghĩa hết sức quan trọng đối với chiều cao đỉnh điểm có thể đạt tới lúc trưởng thành.
Những giai đoạn phát triển chiều cao
![]() |
Sau khi ra đời, trong năm đầu tiên, chiều cao của trẻ phát triển rất nhanh, khi bé 1 tuổi, chiều cao gấp rưỡi lúc mới sinh. Trong năm đầu, trẻ tăng trung bình 25cm (chiều cao trung bình 75cm), năm thứ 2 tăng 10cm (trung bình 85 - 86cm). Sau đó cho đến 10 tuổi, mỗi năm tăng 5cm. Khi đến thời kỳ tiền dậy thì thì trẻ lớn rất nhanh, trung bình trẻ nữ tăng 6cm/năm (9 - 11 tuổi), trẻ nam tăng 7cm/năm (12 - 14 tuổi). Khi đến tuổi dậy thì (12 - 13 tuổi đối với nữ, 15 - 16 tuổi đối với nam) thì sức lớn chậm lại, mỗi năm tăng khoảng 2cm. Giai đoạn tiếp theo cho đến 25 tuổi thì sức lớn rất chậm, chỉ tăng 1 - 2cm hoặc hầu như không tăng. Cơ thể con người hết tuổi lớn với nữ khoảng 23 tuổi, nam 25 tuổi.